Có lẽ người miền xuôi nào đó lên Sơn La sẽ quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi chấm với chẳm chéo nơi đây. Cho nên cứ truyền tai nhau rằng lên Sơn La phải tìm bằng được ăn món “chẳm chéo” (nhót xanh). Kỳ thực, chẳm chéo là tên của nước chấm, còn ăn nhót, ăn mận, ăn sim… cùng chẳm chéo người Thái Sơn La gọi chung là ăn chua (Kin Xổm).
Món đặc trưng nhất là bắp cải cuốn nhót. Món ăn đã làm nên đặc trưng của người Thái. Đầu tiên là phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Có người thích ăn quả thật non, nhưng có lẽ nhót đạt tiêu chuẩn nhất là khi vừa đủ tầm, không non quá mà cũng già quá, lớp phấn mới chỉ mới trăng trắng.
Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm mềm, chưa mọng nước và chua rôn rốt, lại cũng thoảng qua vị chát nữa! Thú nhất là tự tay vin những cành nhót mềm mềm xuống, ngắm nghía và tỉa những quả nhót ưng ý nhất. Vừa chảy vừa nghĩ đến lúc chấm xuống bát chẳm chéo, hình dung ra cái vị chua chua, cay cay mà ứa nước bọt.
Thứ đến, cuốn cùng với nhót cần có bắp cải, cũng phải chọn những lá vừa tầm, không già, không non quá, trắng nõn nà. Thêm vài lá tỏi, lá rau mùi, ít gừng thái lát (có thể thêm cả củ đậu thái miếng mỏng) nữa là được.
Quan trọng nhất là bát nước chấm, chắc ngoài Tây Bắc không đâu có: Bát chẳm chéo là sự hòa quyện của: củ tỏi (nhưng phải đúng là tỏi tây bắc mới có mùi, vị cay đặc trưng, tỏi tàu – củ to, mọng nước không ra vị của nó), gừng tươi, ớt (ớt khô hoặc ớt tươi nướng trên bếp củi cho thơm), rau mùi, một ít lá tỏi tươi, muối, mỳ chính… tất cả đều giã thật nhuyễn, rồi nêm nếm cho vừa miệng, thêm chút đường (tuỳ theo khẩu vị mà cho nhiều hay ít), thêm chút nước mắm cho thơm và chút nước lọc để bát chẳm chéo sền sệt dễ chấm (lưu ý là chẳm chéo để ăn chua sẽ không cho mắc khén như các loại chéo khác).
Thế rồi khi đã tề tựu đông đủ, tất cả nguyên liệu được bày ra, mọi người quây quanh, người cắt nhót, cắt bắp cải, người đặt những miếng nhót, gừng, mùi, lá tỏi, từ từ cuốn vào lá bắp cải và khé chấm vào bát chéo, vừa ăn vừa râm ran những chuyện trên trời dưới biển…
Đưa miếng lên miệng, cắn nhẹ một cái ta cảm nhận được đầu tiên là vị mặn, cay, nóng của chéo, vị ngọt mát của bắp cải, và khi ngập chân răng vào miếng nhót là tổng hòa của chua, cay, mặn, ngọt.
Không cầu kỳ như nhót xanh, mận, mơ và sim (quả chua của người Thái) cuốn lá vả đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần vài lá vả non đang còn lẫn màu xanh và vàng nhạt, một ít gừng thái lát, thêm chút muối ớt nữa là đủ vị. Mỗi thứ quả có vị chua riêng của nó, mơ và mận xanh chua gắt, sim rôn rốt lại có vị chát của những xơ quả. Nhưng tựu chung lại nó hòa lẫn với lá vả, muối ớt cũng ra thứ vị tổng hòa của chua, cay, mặn ngọt…
Người ta ăn chua không thể ăn một mình, phải có bạn, phải túm năm tụm ba, vừa ăn vừa cười nói, với những câu chuyện tếu táo mới thú. Người ta vừa ăn lại vừa xuýt xoa vì vị chua của quả kết hợp với vị cay nồng của các gia vị khác!
Thú ăn vặt này đôi khi lại là biện pháp hữu hiệu để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa mọi người. Một khách lạ đến thăm đúng lúc tập thể đang ăn chua chẳng thể nào lại quay ra hay ngồi thu lu một góc cả, cứ phải xà vào, cũng phải cuốn, chấm, xuýt xoa, cũng cười đùa hối hả. Thế mà chỉ sau mấy phút bỡ ngỡ người ta đã có thể trò chuyện như đã quen nhau lâu lắm rồi.
Vậy đấy, tình người nhiều khi nó hiển hiện đơn giản chỉ trong một món ăn chơi.
Công thức:
1 thìa muối hạt, 1 quả ớt,1/2 thìa cafe tiêu, 1 nhánh gừng, 2 tép tỏi phần cành ít lá rau mùi, 1 thìa mắc khén, 1 thìa đường. Giã nhuyễn nhé. Sau đó đổ ra bát tô thêm 2 thìa nước mắm. Chút nước sôi để nguội.
Nhót xanh hạt nhai nuốt đc ấy ko dai quá. Rau bắp cải, su hào thái mỏng, rau mùi, lá tỏi.
Ớt nướng đc lên là thơm lớm