Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on tumblr
Share on vk

Tấm Cám và những chuyện chưa kể…

NGÀY THỐNG NHẤT, SỰ ĐỜI, VÀ CHUYỆN TẤM CÁM

Từ 30/4/1975 đã qua 42 lần kỷ niệm, hồi đó mình còn cắp cặp đến trường mà nay sắp về vườn (dù chả có vườn), và đôi lúc lại ngẫm chuyện Tấm Cám để hiểu ra bản chất câu chuyện, dù 42 năm nay hóa ra ta hiểu ngược mất câu chuyện này.

Hơn 40 năm trước, chính mình háo hức tìm và đọc về cái ngày 30/4 này, rồi giảm dần háo hức, rồi thậm chí chỉ còn biết là dịp nghỉ bắt buộc. Đến nay thì cũng không biết chính xác đây là “Ngày thống nhất” hay Ngày Giải phóng, hay Ngày Chiến thắng, hay gọi dài dòng là Ngày GPMN-TNĐN nữa. Cái tên gọi rối rắm của Tiếng Việt đôi khi rất kỳ lạ, nếu ngẫm lan man một chút thì thấy nó có bản chất “tự sướng” đúng kiểu nông dân, và kiểu cách kỷ niệm hàng năm đều mang hơi hướng “Chiến Thắng” của AQ. Có lẽ việc chuẩn bị nó kéo dài gần như cả năm, cùng với Lễ Quốc khánh, rồi nghỉ giỗ Tổ, các Tết nữa…. nên xứ mình mãi vẫn chưa có thời gian phát triển kinh tế “sánh vai cường quốc 5 châu” mà mới chỉ kịp “sánh vai vài nước asean” thôi chăng?

Xứ Mỹ có Ngày độc lập hàng năm là ngày nghỉ vui gồm các cuộc thi thể thao, vui chơi, du lịch cắm trại…mà không bắt buộc cắm cờ, nghe diễn văn…Cái ngày độc lập của xứ Mỹ lấy thời điểm đúng 200 năm trước cái ngày của ta: https://www.timeanddate.com/holidays/us/independence-day

Dẫn ngày ĐL của Mỹ để thấy cái tinh thần của ngày này đã được đưa vào Tuyên ngôn ĐL của Việt Nam năm 1945 không phải tình cờ. Người Mỹ đã thành công thực hiện sư nghiệp Độc Lập của họ , ít nhất trên thế giới này, và hiện nay USA là nước Độc lập đúng nghĩa nhất, vì không cần coi ngó nét mặt của “ông lớn” nào khác. Nếu nói vì họ là nước lớn nhất là chưa đúng, vì còn nhiều nước đông dân và rộng lớn hơn họ. Cho đến khi nào ta còn tư tưởng “Thống nhất” hay “Chiến thắng” thì còn khó mà độc lập nổi, ngoại trừ một hình thức Nhà nước độc lập được Liên hiệp quốc công nhận ( trong 193 quốc gia), vậy thôi…

Sự đời 42 năm đó, có một điều là cách hiểu của cá nhân gần như ngược lại với những tuyên truyền và niềm tin thời trẻ. Một điều kỳ lạ mà lâu nay mới nhận ra, đó là suốt 42 năm nay mình chưa thấy ai lập luận và dẫn chứng được về tính ưu việt của chế độ mà mình sống trong đó, ngoại trừ dùng luật lệ hiện hành và bộ máy quyền lực. Tiếng Việt thì rất hay, có thể dùng từ khác đi để gọi sự việc thành bản chất khác, ví như chế độ – cơ chế, duy tâm – duy ý chí, đổi mới – sửa sai… Vì thế đôi khi càng đọc càng rối mù, trừ khi mặc kệ…

Thế rồi lại nhớ chuyện Tấm Cám, tự nhiên thấy có lẽ mình đã hiểu sai các nhân vật chính diện thành phản diện và ngược lại rồi chăng. Câu chuyện này có lẽ ông bà ta đã tả hiện thực tâm lý xã hội-gia đình mà muôn đời luôn đúng, và nêu cái sự ganh ghét-nhẫn tâm của lòng người dù có hình thức – cái vỏ – đẹp đẽ bề ngoài?

Ngẫm lại câu chuyện Tấm Cám:

Đời cô Tấm: mẹ mất sớm (chắc do hậu sản – thời xưa cũng là bình thường) rồi sau mấy năm là cha (kịp cưới vợ kế và sinh bé Cám), có lẽ không kịp để tang vợ đủ 3 năm hoặc đã có sẵn 2 vợ, chỉ là sinh con cách nhau. Chuyện kể là Tấm làm lụng vất vả mà Cám ngược lại, thế thì có gì lạ: chị Tấm lớn hơn thì làm nhiều hơn, chứ Cám nhỏ ham chơi là tính trẻ con tuy thực ra vẫn chăm cùng chị đi xúc tép. Đời sống một gia đình thôn quê “gà mái 2 con” thì sướng sao được, mẹ kế như thế cũng chả cay nghiệt gì bất thường! Cám muốn có yếm đẹp thì “chôm” tép của chị cũng dễ hiểu, các hành vi này là phù hợp gia cảnh và tâm sinh lý trẻ em. Tuy nhiên Cám thể hiện tính thông minh sớm, biết lừa chị bơi ra xa lặn sâu gội đầu, còn Tấm thật ra khá đần độn, lại cả tin, cô gái như thế sống thời nào cũng khổ thôi…

Tuy nhiên, Tấm đại diện cho người nghèo khổ mơ gặp may mắn (ngày nay là mơ trúng số, giống mình!), chỉ mất chút tép khóc than là có Bụt giúp. Vì có Bụt mà thấy Tấm còn cố ý xâm hại môi trường: mẹ lệnh xúc tép nhưng túm cả cá bống con. May là bống lại là mang tính may mắn mà Bụt muốn cho Tấm rèn luyện tính chia sẻ nhường nhịn (ví dụ nhường em nhỏ…).

Đến đây, mình già rồi vẫn chưa hiểu con cá bống có vai trò gì. Nếu mẹ con Cám không ăn thì rồi Tấm cũng ăn thôi, bởi xương cá mới có phép màu mà Bụt gửi. Chuyện bống bị xơi cũng rất bình thường: nhà khó mà có cá to trong giếng, nuôi tốn cơm à? Nuôi mãi mà Tấm nhường cơm thì người lại gầy đi, mẹ con vợ kế lại mang tiếng oan đối xử tệ với con chồng! Tấm được mỗi bữa 3 bát cơm thì có chi mà gọi là mẹ kế cay nghiệt?

Câu chuyện tiếp cho thấy Bụt bắt đầu chỉ dạy cho Tấm các hành động nhẫn tâm, ví như câu Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao / Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết . Hóa ra Tấm có thể đánh chết chim sẻ vô tội chỉ vì không nhặt thóc khỏi gạo giúp. Thương cho lũ sẻ, thứ nó thích nhất là thóc thì phải ngậm vào rồi nhả ra bên cạnh. Nếu tớ là Bụt, cứ cho sẻ nhặt và ăn luôn thóc, nộp gạo sạch cho dì ghẻ là đạt yêu cầu chứ. Nhưng chắc dì ghẻ tính tiết kiệm, muốn nhặt thóc riêng ra để xát lại, cũng đúng với con nhà nghèo thôi.

Tiếp theo thì ai cũng thấy,Tấm có tính ích kỷ, muốn hưởng may mắn của Bụt cho mình để đi “gà” vua. Tuy vậy, do đần độn và hậu đậu, cưỡi ngụa có yên cương mà còn để rơi hài (chắc mới xỏ hài dang dở). Cái hài ngày xưa là kiểu “giày lười” ngày nay, cứ xỏ là phần gót nó vào thôi, khỏi cài cột rắc rối…

Mình vẫn nghĩ nếu Tấm tốt bụng, chia sẻ đồ đẹp cho em Cám, ví dụ đôi hài, rồi Cám cũng làm rớt thì không biết vua có muốn thấy hài lấy người không nữa? Theo logic chuyện thì chắc là có, vì vua nhẹ dạ cả tin, thấy đồ đẹp thì suy ra người cũng đẹp. Ngày nay ta cũng dễ thấy rằng khi về vùng nông thôn, nếu thấy nhà gạch mái bằng lầu cao thì đa số con gái nhà đó nhìn không tệ! Nhưng phim ảnh ngày nay tạo hình mẹ kế và cô Cám khá phản cảm: dì ghẻ có nốt ruồi to trước má và Cám có sắc đẹp thị Nở, nên vua mà chọn vợ theo hài thì cũng được bài học nhớ đời…

Tấm rơi hài nên bọc cái còn lại vào khăn, đến lễ hội chắc vô tư đi chân đất trước khi vua đến. Điều này cho thấy vua và quân hầu cũng không có tí Cô nan nào: cần gì tìm từng người thử hài, cứ cho các cô chạy thi trên đường đá dăm thì ai tụt hậu là do đi chân đất thôi! Chỉ vài phút là tìm ra thủ phạm…

Thế rồi vụ chặt cau, dì ghẻ cũng đàng hoàng báo cho Tấm khi chặt (nói tránh là đuổi kiến), nhưng vẫn chặt cau đổ ra ao chắc chỉ để Tấm ướt chơi (ghét vì quần áo đẹp) chứ ao xưa mấy khi sâu lắm đâu (ao nhà nông thôn chỉ sâu ngang ngực, chừng hơn 1m). Ngã lộn cổ vài mét xuống nước mà chết…thôi cũng đành vậy!

Từ đây cho thấy, Cám thật ra chỉ là cô gái bình thường, thấy chim biết nói, cây biết uốn, khung dệt biết hát… thì ngỡ ma nhập mà trừ đi cho yên cửa nhà (hoàng cung). Tấm thì nhập vào đồ vật rồi vẫn cứ dọa em mình theo kiểu khủng bố: Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra v.v… Sự tàn nhẫn thật ra lại luôn thể hiện ở Tấm, nhưng lại không đủ quyết đoán mà thực hiện, trừ lần cuối cùng.

Khi đọc đoạn bà hàng nước độc thân nhìn khe cửa thấy Tấm thì “mừng quá…xô cửa chạy vào ôm choàng lấy, đoạn xé vụn vỏ thị” cứ ngỡ chuyện xăng pha hiện đại, vì vỏ thị cũng như quần áo Tấm kia mà…

Cái kết thì khỏi phải nói và nhiều người cũng giật mình rồi: dội nước sôi luộc sống em gái, chặt đầu ướp mắm…). Chuyện Tấm Cám phiên bản Việt cho thấy “người ăn thịt người” được che đậy cái vỏ cao quý ra sao, cũng lạ là sao mình hiểu chuyện cổ tích đơn giản này cũng mất mấy chục năm, dốt quá…!

Nhưng Tấm Cám chắc chỉ là chuyện biên tập thời hiện đại.

Cái thiện và ác được lồng ghép đổi vai khéo léo, đâu còn là chuyện cho trẻ em nữa, các khái niệm cũng đảo lộn rồi. Cần viết lại chuyện này, ít nhất tìm bản cổ gốc trước 1945, hoặc tham khảo biên tập theo các bản tương tự mà nhiều nước cũng có, ví như bản Lọ Lem…

Mà thôi, cơ chế nó vậy!

Via Le Hong Anh

More post

Happy teacher day

  Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày tôn vinh các thầy cô làm nghề giáo. Mỗi một thời kì, đều có những thay đổi nhất định. Ngày xưa,

Những đièu vẩn vơ

Có nhiều điều để nói mà khi chuẩn bị viết ra là nó lại biến đâi đâu mất hết. Để rồi suy nghĩ trong đầu vẫn quẩn quanh ở đó

Sự trớ trêu cho kẻ khù khờ

Cuộc sống đúng là trớ trêu. Cứ cho người ta suy nghĩ về những điều tốt đẹp rồi ngay sau đó lại tước đi mất. Những điều không tưởng và

Hôm nay mình đã khóc!!!

Hôm nay mình đã khóc!!!Uhm thì hôm nay là cuối tuần, đi xem một bộ film nhưng mà mình không nghĩ nó lại làm mình khóc. Nói là khóc thì

Một buổi chiều

Dạo này tâm trạng không thể nói là tốt hơn hay là xấu hơn. Luôn là những sự vận động, thay đổi không ngừng bởi những chuyện xảy ra xung

Buồn làm sao buông?

Ngẫm về những điều chưa biết, thì cảm thấy bế tắc thực sự. Có lẽ người ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên cũng nễn. tìm trong kí ức