Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on tumblr
Share on vk

Sự nguy hiểm của “single story”

NHÀ BÁO VÀ SỰ NGUY HIỂM CỦA NHỮNG “SINGLE STORY”

Author: Le Hong Lam

 

Hai bài viết dưới đây tôi từng viết nhân ngày 21.6 vài năm trước, đọc lại vẫn thấy nó còn tính thời sự, nghĩa là những “single story” vẫn đầy rẫy trong đời sống báo chí và cả trên mạng xã hội nên tôi edit lại, chỉnh sửa một số thứ và bổ sung thêm vài góc nhìn mới. Bài như thường lệ, rất dài. 🙂

1. Một trong những bài nói chuyện hay và truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất trên TED mà tôi xem gần đây, lại đúng thời điểm Ngày Báo chí, dù chủ đề của bài diễn thuyết này không nói về báo chí là “The danger of a single story” của Chimamanda Ngozi Adichie, một nhà văn nữ người Nigeria. Đây là bài được Ted xếp vào 11 bài Talk kinh điển. Tôi chọn nghe bài này đầu tiên, đơn giản vì cái tên tác giả. Chimamanda Ngozi Adichie, sinh năm 1977, là nhà văn nữ đến từ châu Phi (hình như là đầu tiên) đoạt giải thưởng Orange dành cho tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh, năm 2007 với “Half of a Yellow Sun”. Tôi chưa đọc cuốn tiểu thuyết này, dù nghe nói đã được Nhã Nam mua bản quyền, bộ phim cùng tên đã được chuyển thể thành phim năm 2013 với nhiều ngôi sao da màu Hollywood đóng cũng chưa xem. Chỉ duy nhất đọc một truyện ngắn “The Thing Around Your Neck” do bạn Trần Ngọc Hiếu dịch trên trang cá nhân của bạn ấy. Chimamanda còn đoạt thêm một giải thưởng của Hiệp hội phê bình Quốc gia Mỹ cho cuốn tiểu thuyết thứ 3, “Americanah” mới xuất bản năm ngoái (2013).

Đó là vài dòng tiểu sử ngắn gọn của cô. Quay trở lại bài nói chuyện trên Ted, Chimamanda trình bày bài nói chuyện với một vẻ giản dị hiếm thấy. Không có vẻ hưng phấn kích động để truyền cảm hứng cho người nghe như nhiều diễn giả khác, không có máy chiếu projector để minh họa hình ảnh các ý tưởng cho sinh động. Cô đứng yên, gần như một chỗ suốt bài nói chuyện của mình. Nhưng sức mạnh của từng ý tưởng, từng câu chuyện thì thật đáng nể. Nó thực sự truyền cảm hứng và khiến người nghe, thôi nói đơn giản là cá nhân tôi, thấy xúc động và được tác động mạnh mẽ.

Chimamanda sinh ra và lớn lên ở một đất nước và một châu lục mà mới nghe qua, người ta, đặc biệt là phương Tây, luôn mặc định là đói nghèo, nội chiến, lính trẻ con, AIDS, hãm hiếp, giết người… Những điều này không sai, nhưng nó hoàn toàn che lấp những câu chuyện tươi sáng khác về châu Phi.
Chimamanda lớn lên trong một gia đình trí thức trung lưu và được đào tạo tử tế ở Angeria, bố là giáo sư đại học, mẹ là một viên chức nhà nước. Tất nhiên, những đứa trẻ được giáo dục và lớn lên trong một môi trường trí thức như cô khá là hiếm hoi ở châu Phi. Năm 18 tuổi, cô đến Mỹ để học đại học, và cô bạn cùng phòng của cô hoàn toàn bất ngờ về Chimamanda, về khả năng nói tiếng Anh như người bản địa, về những bài hit của Mariah Carey mà cô nghe trong iPod… Cô này luôn nghĩ Chimamanda cũng như những đứa trẻ châu Phi khác, nghèo đói, thất học và sang được Mỹ chắc là nhờ một ông Tây da trắng nào đó giúp đỡ.

Những câu chuyện phiến diện và một chiều về châu Phi kiểu như vậy cô luôn gặp phải khi nói chuyện với những người da trắng ở Mỹ. Và đôi lúc, cô cũng phải dùng chiêu trả đũa. Ví dụ như khi đến một trường đại học ở Mỹ để nói chuyện về cuốn tiểu thuyết “Half of a Yellow Sun”, một sinh viên nam đã đứng dậy và nói: “Thật xấu hổ khi tất cả đám đàn ông ở Nigeria đều là những kẻ chỉ biết dung bạo lực, như nhân vật người cha trong cuốn tiểu thuyết của cô viết”. Chimamanda đã đáp trả cậu ta rằng, “tôi cũng từng đọc một cuốn sách có tên là “American Psycho” và cũng thật xấu hổ khi những thanh niên Mỹ là những kẻ giết người hàng loạt”. Màn “trả đũa” này là một ví dụ sinh động cho cái gọi là “danger of a single story” mà Chimamanda đề cập. Và cô kết luận, “tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng, chỉ vì tôi đọc một cuốn sách viết về một kẻ giết người hàng loạt, thì hắn ta sẽ trở thành hình tượng chung cho tất cả người Mỹ”.

Vậy thì như thế nào mới vẽ đúng chân dung về một châu Phi? Chimamanda không phủ nhận về một châu Phi đầy rẫy những bi kịch, thảm họa, tham nhũng, đói nghèo, chết chóc. Một châu Phi của những nhà nước độc tài, quân sự áp bức, xem thường giáo dục. Một châu Phi của những headlines nổi bật trên các bản tin quốc tế với mật độ cao như nội chiến, tàn sát, bom đạn, hãm hiếp, AIDS…

Nhưng còn rất nhiều câu chuyện khác về châu Phi không được đề cập, không được nhắc đến. Về một người bạn của cô, từ bỏ công việc ổn định ở một ngân hàng để đứng ra thành lập một nhà xuất bản với mục đích xuất bản những cuốn sách như của Chimamanda đến với những người dân quê hương cô dễ dàng hơn, về một nữ phóng viên truyền hình xây dựng một chương trình để chia sẻ những câu chuyện bị lịch sử che dấu, về một nữ luật sư dám đứng lên đấu tranh cho những bất bình đẳng giới và về hàng triệu người Nigeria trẻ tuổi đứng lên khởi nghiệp và dù thất bại, họ vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình…

Những câu chuyện tích cực như thế về châu Phi ít ai biết, đặc biệt là những người da trắng ở Mỹ hay châu Âu. Như cô bạn cùng phòng của Chimamanda chỉ biết đến những câu chuyện mang màu sắc “negative” về thế giới thứ 3, và nói như Chimamanda là “cô ấy cảm thấy thương hại tôi ngay từ trước khi cô ấy gặp tôi. Cách đối xử mặc định mà cô ấy dành cho tôi, một người châu Phi, có thể nói là chứa đựng sự kẻ cả và đầy thương hại, dù có ý tốt trong đó. Cô ấy luôn mặc định một câu chuyện phiến diện và một chiều về châu Phi”

Bản thân Chimamanda cũng trải nghiệm qua những câu chuyện phiến diện một chiều để nhận diện nó nguy hiểm như thế nào. Và cô kết luận, “những câu chuyện phiến diện tạo ra những khuôn mẫu và vấn đề với những khuôn mẫu không phải là chúng không đúng mà là chúng không đầy đủ. Chúng biến một câu chuyện trở thành câu chuyện duy nhất. (The single story creates stereotypes and the problem with stereostypes is not that they are untrue but they are imcomplete. They make one story become the only story). Và, “Hậu quả của một câu chuyện phiến diện là nó lấy đi lòng tự trọng ở con người, khiến chúng ta khó có thể nhận ra sự bình đẳng giữa người với người. Nó xoáy sâu vào sự khác biệt giữa chúng ta hơn là sự tương đồng. Một câu chuyện không bao giờ giúp người ta hiểu đúng được một vùng đất hay một con người nếu chúng ta không tìm hiểu tất cả những câu chuyện về vùng đất hay con người ấy.”

Và vai trò quan trọng của những nhà văn có tiếng nói quốc tế như Chimamanda là tạo ra “sự cân bằng giữa những câu chuyện”. Cô kể, mỗi lần trở về nước, cô luôn gặp những thứ khiến mình chạnh lòng, cơ sở hạ tầng tồi tàn, chính phủ thối nát… Nhưng cô luôn nhìn thấy những người đồng hương tài năng và nhiệt huyết, họ vẫn sống và vẫn vươn lên để sống, đơn giản là họ “bất chấp chính quyền hơn là chịu đựng nó” (thrive despite the government rather than because of it).

Cô kết luận, “Những câu chuyện rất quan trọng. Có những câu chuyện kể ra dùng để bôi nhọ và phỉ báng nhưng cũng có những câu chuyện để bồi đắp, để cảm hóa lòng người. Có những câu chuyện làm tổn thương lòng tự tôn của cả một dân tộc nhưng cũng có những câu chuyện chữa lành lòng tự tôn bị tổn thương ấy.”

2. Trong bài Talk “The danger of a single story” của Chimamanda Ngozi Adichie có 2 ý mà tôi rất thích, phải note lại ngay.

Ý đầu tiên là, “Những câu chuyện phiến diện tạo ra những khuôn mẫu và vấn đề với những khuôn mẫu KHÔNG PHẢI LÀ CHÚNG KHÔNG ĐÚNG MÀ CHÚNG KHÔNG ĐẦY ĐỦ. Chúng biến một câu chuyện bất kỳ nào đó trở thành câu chuyện duy nhất

Những “single story” dần dần biến thành stereotypes” và những “stereotypes” lặp đi lặp lại lâu ngày trở thành “only story”, trở thành những mặc định, những định kiến trong đầu những người tiếp nhận. Với một nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới và chẳng có rào cản cấm đoán nào, cô bạn cùng phòng của Chimamanda rõ ràng có thể tiếp cận một “châu Phi khác” ngoài những “single story” mà cô ta được nghe. Nhưng những mặc định đã đóng đinh trong đầu cô ta. Những người Việt Nam có điều kiện ra nước ngoài học tập hoặc đi du lịch, hầu như ai cũng trải qua cảm giác bực bội hoặc ít nhiều tổn thương khi những người bản xứ hỏi “Việt Nam vẫn đang chiến tranh hả?”, hay “thế ở VN mày có phải đi theo con trâu ko?” như trải nghiệm của một bạn sinh viên từng du học ở nước ngoài. Tương tự, những thông tin tiêu cực trên báo chí khiến rất nhiều người Việt Nam khi nghĩ đến Ấn Độ là nghĩ đến “hiếp dâm” mà quên mất một Ấn Độ tuyệt vời về văn hóa, lịch sử và du lịch (chuyến đi bụi ở Ấn Độ 2 tuần với tôi luôn là chuyến trải nghiệm tuyệt vời nhất từ trước đến nay). Nghĩ đến Trung Đông là nghĩ đến Hồi giáo cực đoan, thánh chiến và bất bình đẳng giới…

Một trong những “single story” mà tôi thường xuyên đọc được từ những người Việt ở nước ngoài (Việt kiều), những nhà dân chủ, những người bất đồng chính kiến, thậm chí là cả những nhà văn, giáo sư đại học, nhà báo là họ có khả năng biến Việt Nam dưới chế độ cộng sản trở thành một “địa ngục” của thế gian, một nơi đầy rẫy hiểm họa, bệnh tật và sắp sụp đổ tới nơi. Bằng những thông tin có tính bề nổi hoặc quá phiến diện, mà nói như Chimamanda, chúng không phải không chính xác nhưng chúng hoàn toàn không đầy đủ và biến một câu chuyện trở thành câu chuyện duy nhất về hình ảnh Việt Nam. Và khi đã biến một câu chuyện trở thành câu chuyện duy nhất, họ không có khả năng nhìn thấy một Việt Nam khác, một Việt Nam của những cá nhân xuất sắc, một Việt Nam của những người, “bất chấp chính quyền hơn là chịu đựng nó”.

Cũng giống như cô bạn cùng phòng của Chimamanda, cho dù các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển và mạng xã hội lan tỏa đến tận mọi ngõ ngách, những “steotypes”, những định kiến vẫn trói chặt đầu óc của họ khi nghĩ về những vùng đất hay những con người nào đó. Chưa kể sự tiện ích càng khiến sự tiếp nhận truyền thông trên mạng xã hội càng trở nên hời hợt và thậm chí nguy hiểm. Phần lớn những người dùng mạng xã hội click vào một đường link về một vấn đề hot nào đó hơn là chủ động đi tìm nguồn tin. Và xu hướng này càng khiến cho tin tức trên mạng xã hội trở nên nhảm nhí, càng khiến cho những tờ báo lá cải online mọc như nấm sau mưa bằng lối làm báo chụp giật, trộm cắp và bịa đặt. Những cái này đồng thời đẻ ra một lớp độc giả ngày càng hung hãn, tấn công cá nhân bằng những lời thóa mạ cho sướng mồm. Và cuối cùng, họ quay ra kết luận như đinh đóng cột về một nền báo chí lá cải thảm hại, về một làng showbiz rẻ rúng và bám vào scandal để nổi tiếng. Xem một bộ phim dở, lập tức họ kết luận cả một nền điện ảnh với câu “stereotype” quen thuộc “Thà rằng cởi cúc xem chim”; một vụ đạo nhạc nào đó bị xới lên, họ kết luận bọn nhạc sĩ toàn trộm cắp. Một cô người đẹp hay người mẫu dính scandal, họ lập tức nghĩ tất cả bọn diễn viên, ca sĩ, người mẫu đều làm gái… Một chi tiết nào đó chưa chính xác, họ lập tức kết luận cả cuốn sách bịa đặt và ra sức phỉ báng (như trường hợp cuốn sách của Huyền Chip). Nói như Chimamanda, những điều này không sai, nhưng nó hoàn toàn không đầy đủ. Nó biến một câu chuyện bất kỳ nào đó thành câu chuyện duy nhất. Hậu quả tệ hại nhất của những vụ tấn công, ném đá tập thể hoặc kết luận chụp giật này là dần dần, những nạn nhân bị nhờn thuốc. Chúng không những không chết mà còn trơ trẽn hơn. Chúng không những bị triệt tiêu mà còn đẻ ra đám ký sinh trùng sống bám lợi dụng công thức để nổi tiếng khác, như những trường hợp nổi tiếng không thể lý giải nổi của mạng xã hội gần đây. Hàng trăm, hàng ngàn đường share link theo kiểu ném đá, chửi bới về một hiện tượng lố bịch nào đó trên mạng xã hội càng làm cho những “nạn nhân” ngày càng nổi tiếng.

Nhưng một ý khác trong bài nói chuyện của Chimamanda mà tôi rất đồng cảm, đó là khi cô kể, mỗi lần trở về nước, cô đều cảm thấy chạnh lòng, cơ sở hạ tầng nát bét, chính phủ thì tham nhũng, thối nát, hèn kém. Nhưng đồng thời cô cũng thấy những người đồng hương nhiệt huyết, họ vẫn sống và vẫn vươn lên để sống, đơn giản là họ “BẤT CHẤP CHÍNH QUYỀN HƠN LÀ CHỊU ĐỰNG NÓ” (thrive despite the government rather than because of it).

3. Một bộ phim tài liệu xuất sắc mà tôi xem gần đây là bộ phim 13th của nữ đạo diễn da màu Ava DuVernay, được đề cử Oscar cho Phim tài liệu hay nhất năm 2017 vừa rồi. Bộ phim của Ava mang đến những thông tin có thể gây choáng váng về nước Mỹ: đây là quốc gia chiếm 5% dân số thế giới, nhưng chiếm tới…. 25% tổng số tù nhân của thế giới. Nghĩa là, cứ 4 người ngồi sau song sắt trên thế giới này, thì có 1 người ngồi tù ở nước Mỹ. Bạn có tin được điều đó ở một đất nước tự do và văn minh nhất thế giới không? Nhưng đó hoàn toàn là thông tin thật. Từ nhiều năm nay, chính phủ Mỹ đã cho tư nhân hóa việc kinh doanh… nhà tù và nó trở thành một trong những ngành kinh tế hái ra tiền. Nhưng liệu nước Mỹ có nhiều tội phạm đến thế không? Bộ phim của Eva thực ra mang đến một cái nhìn hoàn toàn khác về hệ thống nhà tù nước Mỹ với những chứng cứ, số liệu, những nhận định của giới chuyên gia, các nhà sử học để mang đến cho người xem một cái nhìn đa chiều. Những năm đầu thập niên 70, số lượng tù nhân Mỹ chỉ khoảng hơn 300.000 người, nhưng chỉ sau 4 thập niên, con số này tăng lên đến 10 lần, lên hơn 3 triệu người. Một tốc độ tăng phi mã khiến người ta phải hoảng sợ. Những nguyên nhân được đưa ra khiến chúng ta nhận ra rằng, đằng sau sự tăng tốc phi mã của só lượng tội phạm nước Mỹ là một câu chuyện về phân biệt chủng tộc thăm căn cố đế của người Mỹ. Cứ ba người da đen thì có một người có nguy cơ ngồi tù ít nhất một lần nào đó trong suốt cuộc đời của họ. Chế độ nô lệ đã được bãi bỏ, nhưng người da trắng vẫn có một cách để “đối xử” với người da màu: nhà tù!

https://www.youtube.com/watch?v=X1yJsaFwqDM

**
Những cái nhìn từ nhiều chiều, những kiến thức hay thông tin có tính hệ thống, ý kiến của những chuyên gia, những nhà nghiên cứu lâu năm về một vấn đề nào đó là cách để chúng ta phá bỏ những single story, những nhận định có tính chủ quan, cảm tính đầy rẫy trên báo chí, trên mạng xã hội. Tôi nghĩ “single story” không mấy liên quan đến một nền báo chí tự do hay bị kềm tỏa (dù nó ảnh hưởng khá nhiều). Thực tế, nền báo chí Mỹ cũng tạo ra rất nhiều “single story” về thế giới bên ngoài và về chính họ. “Single story” liên quan nhiều hơn đến sự định kiến, đến sự cảm tính và chủ quan của người tiếp nhận và tạo ra thông tin.

More post

Một buổi chiều

Dạo này tâm trạng không thể nói là tốt hơn hay là xấu hơn. Luôn là những sự vận động, thay đổi không ngừng bởi những chuyện xảy ra xung

Buồn làm sao buông?

Ngẫm về những điều chưa biết, thì cảm thấy bế tắc thực sự. Có lẽ người ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên cũng nễn. tìm trong kí ức

Hạnh phúc ??? – Nguyễn Tuấn

Biết bao nhiêu người đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng tôi xin chia sẻ một câu nói hay của Mahatma Gandhi để suy nghĩ thêm. Trước

Chơi Vơi

Đôi lúc ngẫm nghĩ lại cuộc sống hàng ngày chỉ quanh quẩn đi làm, đi cafe hoặc gặp gỡ bạn bè rồi tối về ngủ 1 giấc mà thôi. Rồi

Thu hút

Loading Cái đẹp , cái trẻ luôn có sự thu hút nhất định. Nó là một cái gì đó khó tả. Kiểu như một sự thu hút mà bản thân

Vì sao cố gắng…

Loading Dạo này cảm giác rằng mọi thứ cứ trôi đi một cách không có nhiều kiểm soát. Xem mấy bọ film giải trí và thức đêm nhiều hơn trước