Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on tumblr
Share on vk

Phương pháp rèn luyện của BA

PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG PHÂN TÍCH CHO MỘT BA

Cũng có thể viết tiêu đề là “Một BA sẽ nên bắt đầu một dự án phần mềm như thế nào?”
Tiêu đề của bài viết này được mình note từ khi bắt đầu nhận được câu hỏi của một anh zai? Anh hỏi rằng ở một góc độ của BA, em làm sao để bắt đầu làm một dự án mới tinh?
Lúc đó mình cũng suy nghĩ mãi, chưa biết phải trả lời với anh như nào cả. Bởi vì trước đến nay, khi gặp một bài toán mới, cái đầu tự khắc suy nghĩ và sẽ ra được cái gọi là danh sách các chức năng của một phần mềm, mà chưa thể gọi tên hay nói ra được cách mà mình thực sự làm là gì? Cho đến buổi chiều hôm nay sau khi chia sẻ với một em gái – người đang làm BA nhưng chỉ là làm theo những gì người khác bảo em làm – về cách để rèn luyện kỹ năng phân tích mà một BA cần có, thì mình đã nhìn thấy rõ ràng hơn cách mà mình làm để ra được kết quả. Nên vội vàng nốt lại những dòng dưới đây mặc dù bản thân đang rất buồn ngủ.

Bản thân mình là một BA đi lên từ trải nghiệm. Bắt đầu bước vào nghiệp BA từ đầu những năm 2012 khi đang làm DBA, qua công việc thực tế, cóp nhặt kiến thức từ người này một chút, người kia một chút, vướng đâu lại hỏi anh Google, để bây giờ mình cũng được gọi là BA cứng. Mình chưa từng được đào tạo bài bản để trở thành một BA, chưa theo một khóa học và chưa từng đọc một cuốn sách dạy BA nào. (Phần này là thiếu sót của bản thân, chứ không phải tự hào gì cả. Bởi lý do lúc trước là tiếng anh của mình chưa tốt lắm, mà sách BA toàn bằng tiếng Anh nên nhìn thấy toàn chữ Eng thì nản luôn khỏi đọc Về sau này thì do lười biếng nên cũng chưa có đọc được. Năm nay khá khẩm hơn một chút xíu là đã đặt mục tiêu học Eng để có thể đọc xong BABOK v3.0 và thi chứng chỉ vào năm 2019 )
Hơi dài dòng một chút chỉ để khẳng định thêm với các bạn rằng những gì mình chia sẻ trong bài viết này thực sự là chia sẻ cách học từ trải nghiệm. Và những điều mình chia sẻ có thể sẽ không đúng theo một lý thuyết nào đó, nên mình rất mong các Bro có vô tình đọc bài này và thấy nhảm nhí, hay sai lệch xin hãy góp ý thêm với mình để hoàn thiện hơn; Còn các bạn nào cảm thấy có thể giúp ích được gì cho các bạn thì thật sự mình thấy rất vui.

Hẳn các bạn đã tìm hiểu về BA đều biết được nghề BA đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kỹ năng nào cũng là những kỹ năng QUAN TRỌNG cả. Bởi để được đánh giá là một BA giỏi thì không đơn giản là anh làm ra được một sản phẩm tốt cuối cùng, mà phải là cả một quá trình làm nên sản phẩm đó. Nhưng trong phạm vi của bài viết này, mình chỉ nhấn mạnh vào một kỹ năng – mà cá nhân mình đánh giá là kỹ năng quan trọng nhất phân biệt một BA xịn hay không – đó là KỸ NĂNG TƯ DUY VÀ PHÂN TÍCH. Điều đó cũng chính là đáp án cho câu hỏi trên tiêu đề bài viết này.

Với một dự án bạn may đo cắt vá hay một dự án phát triển ý tưởng mới có lẽ cũng có đoạn bắt đầu giống nhau. Bạn đang làm BA, vậy bạn bắt đầu một dự án mới như thế nào? Hay đơn giản, khi có một yêu cầu mới, bạn bắt đầu từ đâu?

Có người nói rằng là bắt đầu từ việc thu thập yêu cầu của Khách hàng. Vậy tức là bạn sẽ thụ động chờ đến khi gặp khách hàng rồi nghe họ chia sẻ về mong muốn của họ, bạn sẽ áp dụng rất nhiều các phương pháp, kỹ thuật moi móc thông tin sao cho lấy được càng nhiều càng tốt, rồi sau đó bạn sẽ về tổng hợp lại rồi phân tích sau phải không? Vâng, Đúng là chúng ta cần phải thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, như vậy mới có đủ đầu vào để xây dựng được hệ thống có khả năng đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: trong trường hợp nếu bạn không có một hay nhiều ông khách hàng cụ thể nào để đi khảo sát, thì bạn sẽ làm sao? Điều này sẽ yêu cầu bạn có kỹ năng phân tích cao hơn nữa, đó là khi bạn vừa nghe một ý tưởng bất kỳ, bạn đã hình thành trong đầu mình những cái gạch đầu dòng chính cho các chức năng của phần mềm sẽ xây dựng. Mình cá là nếu bạn có nhiều kinh nghiệm trong ngành phần mềm thì trong đầu bạn sẽ có nhiều cái gạch đầu dòng hơn. Nhưng nếu là một lĩnh vực mới mà bạn chưa từng làm một phần mềm trước đó thì sao nhỉ? Hay với những bạn còn non mới, chưa có kinh nghiệm thì làm sao để làm được điều này? Làm sao để bạn vẫn có thể hình thành được những cái gạch đầu dòng đó đây? Hay khi bạn nghe anh A đưa ra giải pháp A, anh B đưa ra giải pháp B khác biệt cho một vấn đề, làm sao bạn biết giải pháp nào hợp lý hơn nếu chưa có kiến thức cho vấn đề này? Lúc này bạn cần kỹ năng phân tích phải không?

Vậy bạn phải rèn luyện kỹ năng này như thế nào? Câu trả lời là: hãy rèn luyện nó mọi lúc mọi nơi, trong công việc hàng ngày của bạn. Và phương pháp rèn luyện là gì?
Hãy dừng lại và trả lời giúp mình câu hỏi: Khi khách hàng nói rằng họ muốn xây dựng một cái ví điện tử. Và bạn chưa có kiến thức gì, chưa từng sử dụng ví điện tử thì bạn sẽ làm cách nào để đưa ra các gạch đầu dòng trong đầu mình được?

Hãy nghiêm túc dành một chút thời gian đưa ra câu trả lời trước khi đọc tiếp bạn nhé.
Và cách của mình vẫn làm là: tất cả các phần mềm đơn giản là mình đang tin học hóa những hành động thực tế. Do đó mình sẽ dựa vào những dữ liệu đã được cung cấp và xem trong thực tế nó được làm như thế nào (mình gọi bước này là thu thập quy trình thực tế), đó là dựa vào cụm từ “ví điện tử”. Ở đây mình có thể mổ sẻ nó theo cách: ví điện tử trước tiên nó phải là cái ví (hoặc một cái gì đó có/làm chức năng như một cái ví) đã, sau đó nó được điện tử hóa. Vậy một cái ví ở ngoài đời bạn dùng nó để làm gì? Nó có thể đựng tiền, thẻ ngân hàng, giấy tờ,… phải không? Và các câu hỏi của bạn thường đặt ra là: Ví bạn còn bao nhiêu tiền ở trong đó? Muốn có tiền ở trong ví thì phải làm một hành động đó là cho tiền vào đó? Tiền đó lấy từ đâu? Có thể từ ai đó rút từ ví của họ đưa cho bạn hoặc bạn rút từ ngân hàng của bạn ra đúng không? Và khi có tiền trong ví rồi thì bạn làm gì? Bạn tiêu tiền trong đó phải không? Thế hành động tiêu đó cụ thể bạn làm những điều gì? Bạn trả các hóa đơn hàng tháng không thể tránh khỏi như tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền xăng xe, tiền điện thoại… sau đó bạn còn dư tiền sẽ đi chi tiêu thêm các khoản khác nữa mà bạn thích; hoặc bạn cho gia đình, người thân, cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bạn (hành động này là bạn rút từ ví của bạn đưa cho người khác và họ bỏ vào ví của họ)…. Tạm thời thế đi nhỉ. Tiếp theo bạn làm hành động “điện tử hóa” các chức năng đó của ví. Lúc này bạn chỉ việc đưa ra xem các chức năng nào kể trên của ví có thể được thực hiện tin học hóa được hay không thôi, ví dụ các chức năng chính của phần mềm sẽ là: Quản lý số dư ví, nạp tiền vào ví (bằng hình thức nạp từ ngân hàng, hoặc nhận tiền từ ví người khác), Tiêu tiền trong ví (cụ thể là thanh toán các hóa đơn, chuyển tiền cho ví của người khác) . Mình lưu ý là ở cái bước này, bạn mới lên ý tưởng sơ bộ cho các chức năng chính thế trước đã (Vì còn nhiều chức năng khác cần làm sau đó nữa, dần dần phân tích từng bước bạn sẽ vỡ ra được và bổ sung về sau). Sau khi có chức năng chính thì bạn lại phân tích tiếp cho các đầu dòng chính đó. Ví dụ như là: Thanh toán hóa đơn thì tin học hóa được những cái j? Lúc này thì bạn đi kiếm một vài cái hóa đơn mẫu về, ngồi mổ sẻ nó ra tiếp theo hướng trên thì thấy mấy câu hỏi chính cần trả lời phải là là hóa đơn cần thanh toán là hóa đơn gì? của nhà cung cấp nào? mã hóa đơn là gì? số tiền trong hóa đơn là bao nhiêu? Từ đó bạn có được các trường cần có để nhận dạng được hóa đơn này và thực hiện thanh toán rồi phải không?

Theo mình nếu bạn muốn muốn trở thành một BA ở mức cao hơn, thì bạn nên rèn luyện kỹ năng phân tích trong mọi lúc mọi nơi mọi công việc của bạn qua việc đặt câu hỏi và quan sát. Nếu bạn chưa biết làm sao để có thể phân tích như trên, bạn có thể học từ hai cách chính (có thể có nhiều cách khác nữa) đó là: quan sát từ thực tế đời sống và học hỏi từ người khác.

Về cách quan sát từ thực tế đó là: bạn thường nên đặt câu hỏi trong đầu mình về việc họ làm như thế nào? Nó hoạt động như thế nào? Và trả lời bằng một quy trình hoạt động của nó. Ví dụ như chiều nay mình hỏi cô em BA kể trên là bình thường em đóng tiền điện hàng tháng như thế nào? Câu trả lời của em ấy chỉ là: em đưa tiền cho cô chủ nhà trọ của em. Vâng, đó không phải là câu trả lời sai, nhưng với cách của mình thì câu trả lời nên là: Hàng tháng cô chủ nhà chốt ghi số điện mà em dùng ở một thời điểm nào đó trong tháng, sau đó cô trừ đi số điện tháng trước mà cô đã chốt để ra được số chênh -> đó là số điện trong tháng em dùng; Rồi cô nhân số chênh với đơn giá của 1 số điện (hoặc mỗi nấc có một giá riêng) để ra một số tiền mà em cần đóng; Cô thông báo cho em về thông tin số điện đã dùng và số tiền; Em đóng cho cô số tiền đó. Nếu bạn tư duy như vậy là bạn đã nắm được toàn bộ quy trình chốt và thu tiền điện rồi đúng không? => Bạn có thể đưa quy trình này vào tin học hóa thì bạn đã có một bản phân tích chức năng của phần mềm tự động thu tiền điện rồi phải không nào? Cách luyện tập này rất hiệu quả với những khi bạn cần phân tích cho một ý tưởng chưa thành hình.
Còn với cách học hỏi từ người khác thì bạn cần áp dụng câu hỏi TẠI SAO. Cách này rất hay khi bạn muốn học cách phân tích từ người khác cho một phần mềm sẵn có. Ví dụ bạn đang là tester cho công ty, bạn sẽ phải biết chức năng đó hoạt động như thế nào phải không? Và bạn chỉ cần biết nó hoạt động như thế nào thôi cũng đáp ứng được công việc của bạn rồi. Nhưng nếu bạn muốn học thêm phân tích nữa, hãy đặt câu hỏi tại sao? Bạn hãy luôn hỏi tại sao chức năng đó lại làm như thế này? Cứ mạnh dạn hỏi ngay cả khi bạn có thể không nhận được câu trả lời. Khi bạn nhận được câu trả lời từ người nào đó thì bạn đã HỌC được cách phân tích của người khác. Sau đó, hoặc khi bạn không nhận được câu trả lời, bạn hãy tự suy nghĩ và đưa ra các lý luận của bạn để lý giải về việc đó. Hãy tự mình đưa ra càng nhiều cách lý giải khác nhau càng tốt và xem xem cách nào hợp lý nhất.

Với những cách này, khả năng phân tích và tư duy logic của bạn sẽ được hình thành và cải thiện rất nhanh đó. Không tin, bạn hãy thử áp dụng nó liên tục trong vòng 1 tháng, và bạn hãy tự mình cảm nhận sự khác biệt đó.

Cuối cùng thì mình rất cảm động vì bạn đã kiên nhẫn đọc được đến những dòng này. Thực sự mong rằng những chia sẻ trên đây của mình sẽ có thể giúp ích được gì đó cho các bạn. Và mình rất mong nhận được góp ý thêm các phương pháp riêng của các bạn để chúng ta cùng hoàn thiện bản thân.

P/s: Bài viết này được viết trong lúc rất cảm xúc, nên có thể sẽ có nhiều mạch bị dài dòng. Cảm ơn vì đã đọc.
Thân mến!
Hồng Lệ.

More post

Happy teacher day

  Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày tôn vinh các thầy cô làm nghề giáo. Mỗi một thời kì, đều có những thay đổi nhất định. Ngày xưa,

Những đièu vẩn vơ

Có nhiều điều để nói mà khi chuẩn bị viết ra là nó lại biến đâi đâu mất hết. Để rồi suy nghĩ trong đầu vẫn quẩn quanh ở đó

Sự trớ trêu cho kẻ khù khờ

Cuộc sống đúng là trớ trêu. Cứ cho người ta suy nghĩ về những điều tốt đẹp rồi ngay sau đó lại tước đi mất. Những điều không tưởng và

Hôm nay mình đã khóc!!!

Hôm nay mình đã khóc!!!Uhm thì hôm nay là cuối tuần, đi xem một bộ film nhưng mà mình không nghĩ nó lại làm mình khóc. Nói là khóc thì

Một buổi chiều

Dạo này tâm trạng không thể nói là tốt hơn hay là xấu hơn. Luôn là những sự vận động, thay đổi không ngừng bởi những chuyện xảy ra xung

Buồn làm sao buông?

Ngẫm về những điều chưa biết, thì cảm thấy bế tắc thực sự. Có lẽ người ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên cũng nễn. tìm trong kí ức