1. CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.
Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.
2. CÂU CHUYỆN THỨ HAI:
Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.
Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình.
3. CÂU CHUYỆN THỨ BA:
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
– Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn đáp lại:
– Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!
Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ và “đẳng cấp” của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!
4. CÂU CHUYỆN THỨ TƯ:
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”. Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.
Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.